THUẬN LỢI VÀ THÁCH THỨC CỦA VIỆC TRIỂN KHAI CÁC DỰ ÁN NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO TẠI VIỆT NAM


    Năng lượng tái tạo là dạng năng lượng lấy được từ môi trường tự nhiên hoặc các nguồn có thể bổ sung một cách tự nhiên. Tài nguyên năng lượng tái tạo bao gồm: Năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng sinh khối, năng lượng thủy triều, năng lượng địa nhiệt. Về cơ bản muốn sử dụng các dạng lượng để tạo ra điện thì phải qua các quá trình chuyển đổi.

    Chiến lược Tăng trưởng xanh của Việt Nam năm 2012. Tại chiến lược này đã dần loại bỏ khoản trợ giá nhiên liệu hóa thạch và tăng cường phát triển năng lượng tái tạo.

    Năng lượng xanh là những năng lượng được hình thành từ các nguyên liệu sạch không sử dụng hóa thạch như năng lượng từ gió, năng lượng mặt trời…Đây được coi là những nguồn năng lượng tái tạo, vì đây năng lượng từ những nguồn liên tục có sẵn trong thiên nhiên.


Hình 1. nguồn năng lượng tái tạo sạch

( Nguồn:http://vnge.vn/nang-luong-tai-tao.html) [1]

    Năng lượng mặt trời: Việt Nam có tiềm năng rất lớn về năng lượng mặt trời, đặc biệt ở các vùng miền trung và miền nam của đất nước với ước tính tiềm năng lý thuyết khoảng 43,9 tỷ TOE. Nguồn năng lượng này có thể khai thác để sản xuất điện và cung cấp nhiệt... Tại nước ta, công nghệ này được sử dụng nhiều ở khu vực các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.

    Năng lượng nước: Việc sử dụng nước từ sông suối chính là một nguồn năng lượng sạch được ứng dụng nhiều nhất ở nước ta. Thủy điện dựa vào sức nước ở các con sông lớn để làm quay tua bin sinh ra điện. Ngoài ra, nguồn năng lượng từ đại dương cũng vô cùng phong phú. Sóng và thủy triều được sử dụng để quay các turbin phát điện. Nguồn điện sản xuất ra có thể dùng trực tiếp cho các thiết bị đang vận hành trên biển. Như hải đăng, phao, cầu cảng, hệ thống hoa tiêu dẫn đường…

    Năng lượng gió: Năng lượng gió được coi là nguồn năng lượng xanh dồi dào và phong phú nhất hiện nay, nó có mặt ở mọi nơi. Người ta sử dụng sức gió để quay các tua bin phát điện để sử dụng trong cuộc sống. Hiện nay tại Việt Nam, với điều kiện địa lý thuận lợi bờ biển dài, lượng gió nhiều và phân bổ đều quanh năm. Đây sẽ là một dạng năng lượng được chú trọng phát triển ở hiện tại và tương lai.

    Năng lượng sinh khối: Với đặc điểm là một quốc gia nông nghiệp, Việt Nam có nguồn sinh khối lớn và đa dạng từ gỗ củi, trấu, bã cà phê, rơm rạ và bã mía với gần 60 triệu tấn sinh khối từ phế phẩm nông nghiệp, trong đó 40% được sử dụng đáp ứng nhu cầu năng lượng cho hộ gia đình và sản xuất điện. Ngoài ra còn có các nguồn sinh khối khác bao gồm sản phẩm từ gỗ, chất thải đô thị và chất thải gia súc.

    Pin nhiên liệu: Pin nhiên liệu là kỹ thuật có thể cung cấp năng lượng cho con người mà không phát ra khí thải CO2 hay bất kỳ loại khí độc nào khác. Pin nhiên liệu sản sinh điện năng trực tiếp bằng phản ứng giữa hydro và oxy hay methanol và oxy. Trong đó hydro xuất hiện ở các nguồn khí thiên nhiên và metanol lấy từ chất thải sinh vậy và do không bị đốt cháy nên chúng không phát ra các khí thải độc hại.

    Năng lượng địa nhiệt: Tại nước ta, việc nghiên cứu nguồn năng lượng địa nhiệt được bắt đầu từ những năm 80-90 của thế kỷ XX và đã điều tra, đánh giá sơ bộ tiềm năng của các nguồn địa nhiệt trên cả nước. Tuy nhiên đến nay, nguồn năng lượng này vẫn chưa được khai thác.

  • THUẬN LỢI KHI TRIỂN KHAI DỰ ÁN:

    Việt Nam có vị trí địa lý, đường bờ biển dài, đặc thù khí hậu nhiệt đới gió mùa và nền kinh tế nông nghiệp, có nguồn năng lượng tái tạo dồi dào và đa dạng, cho nên có thể khai thác cho sản xuất năng lượng như thủy điện, điện gió, điện mặt trời, sinh khối, địa nhiệt, nhiên liệu sinh học...

    Tính đến cuối năm 2018, Việt Nam phát triển thành công nhiều dự án năng lượng tái tạo với 285 nhà máy thủy điện nhỏ, tổng công suất khoảng 3.322 MW; 08 nhà máy điện gió, tổng công suất 243 MW và 10 nhà máy điện sinh khối, tổng công suất nối lưới khoảng 212 MW. Về điện mặt trời, hơn 100 dự án đã ký hợp đồng mua bán điện (PPA) với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

    Tiềm năng phát triển điện gió:

    Nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa và bờ biển dài hơn 3.200 km, hơn nữa còn có cả gió mùa Tây Nam thổi vào mùa hè, tốc độ gió trung bình ở biển Đông Việt Nam khá mạnh. Vì vậy, nhờ vào vị trí địa lý mà tiềm năng về năng lượng gió ở Việt Nam là rất triển vọng. Việt Nam là nước có tiềm năng năng lượng gió tốt nhất trong 4 nước (Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam) với 39% lãnh thổ có tốc độ gió lớn hơn 6m/s tại độ cao 65 m, tương đương với 513 GW. Đặc biệt, hơn 8% lãnh thổ, tương đương 112 GW được đánh giá là có tiềm năng năng lượng gió tốt

    Ngoài ra, theo quy hoạch phát triển điện gió giai đoạn đến 2020, có xét đến năm 2030, tiềm năng công suất dự kiến hơn 22.000 MW, chi tiết của một số tỉnh như sau: Bình Thuận 1.570 MW, Ninh Thuận 1.429 MW, Cà Mau 5.894 MW, Trà Vinh 1.608 MW, Sóc Trăng 1.155 MW, Bạc Liêu 2.507 MW, Bến Tre 1.520 MW, Quảng Trị 6.707 MW. Tuy nhiên, từ tiềm năng đến hiện thực luôn có khoảng cách, nhưng khoảng cách về điện gió ở Việt Nam lại “quá xa” mà nguyên nhân do có quá nhiều rào cản, khó khăn về pháp lý, kỹ thuật, tài chính, nhân lực và chủ đầu tư dự án.

    Tiềm năng điện mặt trời:

    Tiềm năng năng lượng mặt trời cũng được đánh giá cao khi Việt Nam là quốc gia có thời gian nắng nhiều trong năm với cường độ bức xạ lớn ở các khu vực miền Trung, miền Nam. Các tỉnh Tây Bắc (Lai Châu và Sơn La) số giờ nắng trong năm khoảng 1897 - 2102 giờ/năm. Các tỉnh phía Bắc còn lại và một số tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình khoảng 1400 - 1700 giờ/năm. Các tỉnh từ Huế vào miền Nam khoảng 1900 - 2700 giờ/năm.

    Theo đánh giá, những vùng có số giờ nắng từ 1.800 giờ/năm trở lên thì được coi là có tiềm năng để khai thác sử dụng. Đối với Việt Nam, thì tiêu chí này phù hợp với nhiều vùng, nhất là các tỉnh phía Nam.

    Theo EVN, tính đến giữa tháng 4/2019, toàn hệ thống điện chỉ có 4 nhà máy điện mặt trời với tổng công suất chưa tới 150 MW. Chỉ trong vòng hơn 2 tháng, đến 30/6/2019 đã có trên 4.464 MW điện mặt trời đã hòa lưới, trong số đó có 72 nhà máy điện mặt trời thuộc quyền điều khiển của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) với tổng công suất 4.189 MW và 10 nhà máy điện thuộc quyền điều khiển của các Trung tâm điều độ miền với tổng công suất 275 MW. Như vậy, nguồn điện mặt trời đã chiếm tỷ lệ 8,28% công suất đặt của hệ thống điện Việt Nam.

    Dự kiến, từ nay đến cuối năm 2019, A0 sẽ tiếp tục đóng điện đưa vào vận hành thêm 13 nhà máy điện mặt trời, với tổng công suất 630 MW, nâng tổng số nhà máy điện mặt trời trong toàn hệ thống lên 95 nhà máy.

    Đây là sự bổ sung quý giá đối với hệ thống trong điều kiện nguồn điện đang khó khăn, tuy nhiên một số lượng lớn các nhà máy điện mặt trời đi vào vận hành trong thời gian ngắn đã và đang gây không ít khó khăn, thách thức cho công tác vận hành hệ thống điện. Nguyên nhân là do tính chất bất định, phụ thuộc vào thời tiết của loại hình nguồn điện này. Bên cạnh đó, việc phát triển nóng và ồ ạt các dự án điện mặt trời tập trung tại một số tỉnh như Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk đã gây ra hiện tượng quá tải lưới 110 kV, 220 kV tại các khu vực trên.

    Tiềm năng năng lượng sinh khối:

    Là một nước nông nghiệp, Việt Nam có tiềm năng rất lớn về nguồn năng lượng sinh khối (NLSK). Các loại sinh khối chính là gỗ năng lượng, phế thải - phụ phẩm từ cây trồng, chất thải chăn nuôi, rác thải ở đô thị và các chất thải hữu cơ khác. Nguồn NLSK có thể sử dụng bằng cách đốt trực tiếp, hoặc tạo thành viên nhiên liệu sinh khối. Tiềm năng nguồn sinh khối từ phế thải nông nghiệp, chất thải chăn nuôi và rác thải hữu cơ có tổng công suất khoảng 400 MW.

    Khả năng khai thác bền vững nguồn sinh khối cho sản xuất năng lượng ở Việt Nam đạt khoảng 150 triệu tấn mỗi năm. Một số dạng sinh khối có thể khai thác được ngay về mặt kỹ thuật cho sản xuất điện, hoặc áp dụng công nghệ đồng phát năng lượng (sản xuất cả điện và nhiệt) đó là: trấu ở Đồng bằng sông Cửu Long, bã mía dư thừa ở các nhà máy đường, rác thải sinh hoạt ở các đô thị lớn, chất thải chăn nuôi từ các trang trại gia súc, hộ gia đình và chất thải hữu cơ khác từ chế biến nông - lâm - hải sản.

    Một số nhà máy đường đã sử dụng bã mía để phát điện, nhưng chỉ bán được với giá khoảng hơn 800 đồng/kWh (4 cent/kWh).

    Cuối năm 2013, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ xem xét cơ chế hỗ trợ sản xuất điện từ năng lượng sinh khối. Theo đó, mức giá cao nhất mà ngành điện mua lại điện được sản xuất từ nguồn nguyên liệu sinh khối lần lượt là 1.200 - 2.100 đồng/kWh. Mức giá như đề xuất trên sẽ góp phần tạo động lực cho việc phát triển nguồn điện từ nguồn nguyên liệu sinh khối ở nước ta.

    Việc xây dựng các nhà máy điện đốt rác thải cũng đang được quan tâm với mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đặc biệt tại các thành phố, đô thị lớn. Hiện nay, tại nước ta đã có một số dự án điện đốt rác đã đi vào hoạt động, hoặc đang được triển khai xây dựng tại thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hà Nam…

    Tiềm năng thủy điện nhỏ:

    Hệ thống sông ngòi của Việt Nam dày đặc, được phân bố trên nhiều vùng lãnh thổ khác nhau. Tiềm năng thủy điện nhỏ phân bố tập trung chủ yếu ở các vùng núi phía Bắc, Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Thủy điện vẫn là nguồn năng lượng tái tạo có công suất cao nhất, đóng góp khoảng 40% vào tổng công suất điện quốc gia. Tiềm năng thuỷ điện nhỏ là rất lớn với hơn 2.200 sông suối với chiều dài hơn 10km. Trong đó 90% là các sông suối nhỏ, đây là cơ sở thuận lợi cho phát triển thủy điện nhỏ. Tiềm năng kỹ thuật các thủy điện nhỏ quy mô dưới 30 MW khoảng 25 tỷ kWh/năm (gần 7.000 MW) và đến cuối năm 2018 đã có trên 3.300 MW thủy điện nhỏ được đưa vào vận hành

  • THÁCH THỨC KHI TRIỂN KHAI DỰ ÁN:

Thách thức về cơ chế chính sách:

Kết quả phát triển năng lượng tái tạo đạt được như đã nêu ở trong kỳ trước là nhờ cam kết về mục tiêu phát triển và chính sách khuyến khích phát triển năng lượng phù hợp của Chính phủ, sự tích cực của các địa phương và sự phối hợp giữa các bộ, ngành giải quyết các vấn đề vướng mắc trong quá trình triển khai dự án nhằm tạo môi trường cạnh tranh tốt, thuận lợi cho các nhà đầu tư.

Để khuyến khích, phục vụ các mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành hàng loạt các cơ chế như biểu giá cố định Feed-in-Tariff cho điện mặt trời, điện gió, điện sản xuất từ chất thải rắn, điện sinh khối... Chính phủ cũng ban hành chính sách ưu đãi khác cho các nhà đầu tư như ưu tiên cung cấp tín dụng, miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, sử dụng PPA... Điển hình là năm 2017, Bộ Công Thương ban hành Thông tư 16/2017/TT-BCT bao gồm hợp đồng mua bán điện mẫu (PPA) cho điện mặt trời.

Tuy nhiên, cả cơ quan quản lý nhà nước cũng như các nhà đầu tư đều cho rằng, những quy định tại Luật Quy hoạch có hiệu lực từ ngày 1/1/2019 cho thấy rõ những thách thức về tiến độ dự án phải đáp ứng, bởi thời gian triển khai và hoàn thành các dự án điện gió để có thể được hưởng chính sách ưu đãi giá điện theo Quyết định 39/2018/QĐ-TTg không còn nhiều. Quyết định này quy định giá mua điện đối với dự án điện gió trong đất liền nối lưới là 1.928 đồng/kWh (8,5 Uscents/kWh) và đối với các dự án điện gió trên biển nối lưới là 2.223 đồng/kWh (9,8 Uscents/kWh) được áp dụng cho một phần, hoặc toàn bộ nhà máy điện gió nối lưới có ngày vận hành thương mại trước ngày 1/11/2021.

Hiện tại, cơ chế ưu đãi về vốn đầu tư thuế, về đất đai, giá mua điện mặt trời theo Quyết định 11/2017/QĐ-TTg với giá mua 2.086 đồng/kWh (tương đương 9,35 Uscents/kWh) chỉ áp dụng cho ác dự án nối lưới có hiệu suất của tế bào quang điện (solar cell) lớn hơn 16%, hoặc module lớn hơn 15% đã hết hiệu lực từ ngày 30/6/2019. Do đó, không biết các dự án điện mặt trời tương lai sẽ như thế nào.

Mặc dù Việt Nam là một nước có tiềm năng lớn về nguồn năng lượng tái tạo, nhưng cho đến nay, số các dự án thực hiện còn rất ít, tỷ trọng điện tái tạo trong tổng lượng điện sản xuất là không đáng kể là do: Thiếu chính sách đủ mạnh, đồng bộ bao gồm từ điều tra, đánh giá tiềm năng đến khai thác và sử dụng; Thiếu cơ chế tài chính hiệu quả cho việc đầu tư, quản lý, vận hành các dự án điện tái tạo tại khu vực vùng sâu, vùng xa ngoài lưới; Thiếu một quy hoạch tổng thể phát triển điện tái tạo quốc gia; Thiếu một cơ quan đầu mối tập trung, với chức năng đủ mạnh để điều hành.

Thách thức về công nghệ, kỹ thuật:

Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, phát triển nóng năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời đang tạo ra một số thách thức trong vận hành hệ thống điện. Các nguồn điện từ năng lượng tái tạo tác động lên lưới điện quốc gia (như ảnh hưởng đều độ, huy động các nhà máy điện khác và phải tăng dự phòng của hệ thống điện nhằm bảo đảm ổn định hệ thống điện).

Về điện mặt trời chưa có những tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống điện mặt trời trên mái nhà, hay quy định về cấp phép hoạt động điện lực cho bên thứ ba tham gia lắp đặt.

Về điện gió gặp phải những khó khăn, thách thức như:

1/ Thiếu số liệu cần thiết và tin cậy về tốc độ gió cho nghiên cứu phát triển nguồn điện gió ở các khu vực khác nhau.

2/ Thiết bị nhà máy điện gió đều là thiết bị siêu trường, siêu trọng trong khi cơ sở hạ tầng đường, cảng còn thô sơ dẫn đến rủi ro cao và không đảm bảo an toàn;.

3/ Thiếu năng lực quản lý, vận hành và bảo dưỡng sửa chữa các dự án điện gió.

4/ Thiếu tiêu chuẩn hòa lưới điện quốc gia áp dụng với điện gió trên bờ, gần bờ, ngoài khơi và hòa lưới điện độc lập dẫn đến quá trình đàm phán đấu nối lưới điện kéo dài.

5/ Thiếu thông tin đánh giá về tiềm năng điện gió ngoài khơi, cũng như khả năng nối lưới các dự án sau khi hoàn thành.

6/ Các dự án điện gió ở vùng đất bãi bồi ven biển có địa hình, địa chất tương đối phức tạp và chịu ảnh hưởng thời tiết khắc nghiệt mưa, bão, sóng to, gió lớn kết hợp chế độ thủy triều không ổn định sẽ dẫn đến nhiều thách thức trong quá trình thi công lắp đặt thiết bị.

7/ Công nghệ mới và kỹ thuật phức tạp, các nhà thầu trong nước chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc thi công xây dựng, lắp đặt tua bin gió trên biển.

Do tính đặc thù của năng lượng tái tạo là phân tán, phụ thuộc mùa vụ, thời tiết nên nguồn số liệu là không sẵn có. Hiện nay, chưa có cơ quan nào được giao thu thập, cập nhật và thống kê như đã làm với các dạng năng lượng thương mại. Hiện tại, việc đánh giá thấu đáo tiềm năng năng lượng tái tạo có sự dao động lớn là do thiếu cơ sở dữ liệu tin cậy. Do đó, cần phải xem xét và thực thi cho công tác này.

Đối với năng lượng sinh khối, những điều tra về một số nguồn đã được thực hiện. Nhiều vị trí tiềm năng cho các dự án điện sinh khối đã được xác định. Tuy nhiên, số liệu về các địa điểm này không đủ và thiếu tin cậy cho việc thực hiện các nghiên cứu khả thi chi tiết. Có thể cần điều tra chính xác về giá sinh khối, sự thay đổi dài hạn của chúng và các đặc tính của sinh khối, đặc biệt là trấu.

Các rào cản về thông tin đối với các công nghệ năng lượng tái tạo như điện thuỷ triều và điện sóng còn thiếu. Mặc dù các công nghệ này hiện nay đã gần đến mức thương mại hoá, nhưng chưa có sự hỗ trợ đáng kể cho việc điều tra các nguồn này và tìm kiếm các địa điểm để khai thác.

Hiện nay ở Việt Nam còn thiếu các doanh nghiệp thương mại cung cấp các thiết bị năng lượng tái tạo và dịch vụ điện liên quan đến nguồn điện này. Do vậy, các công nghệ năng lượng tái tạo phần lớn chưa chế tạo được trong nước mà phải nhập khẩu. Các dịch vụ sau lắp đặt chưa có, đặc biệt là ở vùng nông thôn và vùng sâu, vùng xa.

Đối với Việt Nam, cho đến nay chưa có công nghệ hoàn chỉnh nào được thử nghiệm ở các điều kiện khí hậu đặc trưng (như bão, độ ẩm cao, các thông số khí quyển…). Ngoài ra, còn thiếu kinh nghiệm về lựa chọn thiết bị đồng bộ, kỹ năng khai thác, vận hành và bảo dưỡng.

Các công nghệ điện sinh khối được kiểm chứng và có hiệu suất cao đã được áp dụng trên thế giới, nhưng chúng còn chưa được biết đến nhiều ở Việt Nam (như điện trấu, các công nghệ khí hóa, thu hồi khí mê tan tại các bãi rác, đốt rác thải sinh hoạt...). Hiện nay, không có các công ty trong nước cung cấp các công nghệ điện sinh khối, hầu hết đều phải nhập khẩu. Các dịch vụ tư vấn, kỹ thuật đối với các công nghệ điện sinh khối còn hạn chế, đặc biệt là dịch vụ bảo dưỡng và sửa chữa sau khi lắp đặt.

Thách thức về kinh tế, tài chính:

Thách thức lớn nhất đối với phát triển năng lượng tái tạo nằm ở vốn đầu tư và khả năng thu xếp vốn của chủ đầu tư. Rào cản tài chính cản trở việc thực hiện một dự án kinh tế do thiếu tiếp cận với nguồn tài chính phù hợp, hoặc thiếu cơ chế bền vững cung cấp tài trợ. Phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam hiện nay bị hạn chế bởi cả hai rào cản này.

Thiếu tiếp cận với nguồn tài chính phù hợp là vấn đề thời hạn vay. Cường độ vốn đầu tư của năng lượng tái tạo cao nên tài khoản vốn đầu tư cho tổng chi phí phải lớn hơn nhiều so với nguồn nhiệt điện, có nghĩa là dòng vốn của các nhà phát triển phụ thuộc nhiều vào thời hạn vay. Hiện nay thời hạn đặc trưng là 5-8 năm trong hệ thống ngân hàng thương mại thì dòng tiền đến các nhà đầu tư trong những năm đầu là nhỏ nhất làm kéo dài thời gian hoàn vốn và do đó không khuyến khích các nhà đầu tư góp cổ phần.

Trong Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia cũng đã chỉ ra sự thiếu tiếp cận tài chính cho năng lượng tái tạo, vì thế một trong những biện pháp cho các giải pháp tài chính, huy động vốn được đề cập là ưu tiên phân bổ vốn tín dụng ưu đãi từ nguồn vốn ODA và vốn vay theo hiệp định song phương cho đầu tư vào các dự án như thăm dò, phát triển năng lượng tái tạo.

KẾT LUẬN:

    Phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam đã trải qua một quá trình gần ba thập niên với nhiều bước thăng trầm. Sự thay đổi này tùy thuộc vào sự quan tâm của Nhà nước, các bộ, ngành trong việc tổ chức nghiên cứu, xây dựng, triển khai dự án và tài trợ tài chính cho phát triển năng lượng tái tạo. Một điều dễ nhận thấy, chỉ khi nào sự phát triển có sự quan tâm, chỉ đạo của Nhà nước thông qua một hệ thống chính sách, một chương trình thống nhất và sự tài trợ thích đáng của ngân sách, cũng như các trợ giúp quốc tế về kỹ thuật, công nghệ, tài chính thì khi đó mới có thể đạt được những kết quả nhất định.

    Mặc dù là nước có tiềm năng khá đa dạng các nguồn năng lượng tái tạo, nhưng để khai thác được các nguồn năng lượng này tại Việt Nam thì rất cần một sự đầu tư bài bản, cụ thể, đủ mạnh ở cấp quốc gia và phải đặt nó vào vị trí quan trọng nhằm tạo ra những tiền đề cho việc hoạch định các chiến lược, chính sách, kế hoạch, lộ trình phát triển cụ thể. Khó khăn, thách thức lớn nhất để phát triển nguồn điện này là cần có cơ chế chính sách ổn định và lựa chọn được chủ đầu tư có năng lực về tài chính, cũng như có kinh nghiệm đầu tư, triển khai thực hiện và khả năng thu xếp vốn tốt.

          TÀI LIỆU THAM KHẢO

1/ Tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam, Cục thông tin khoa học và công nghệ Quốc gia (2015).

2/ Thách thức trong phát triển các dự án năng lượng tái tạo ở Việt Nam, Ms. Angelika Wasielke, GIZ (2012).

3/ Công nghệ mới về nguồn - lưới điện, năng lượng tái tạo và hệ thống lưu trữ năng lượng, Tài liệu hội thảo quốc tế (2017).

4/ Đánh giá tiềm năng NLG tại Việt Nam. Thực trạng triển khai ở Việt Nam hiện nay và đề xuất các giải pháp cho việc đầu tư các dự án NLG của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Đào Văn Tuân, VPI (2011).

5/ Nghiên cứu, lựa chọn giải pháp nối lưới và hoạt động hỗn hợp tua bin gió - nguồn phụ trợ vào lưới điện quốc gia và độc lập nhằm đảm bảo hoạt động ổn định, hiệu quả các dự án điện gió của PVN, Võ Hồng Thái, VPI (2013).

6/ Nghiên cứu các giải pháp giảm giá thành sản xuất điện gió tại Việt Nam, Lê Việt Trung, VPI (2013).

7/ https://www.evn.com.vn/c2/nang-luong-tai-tao/Nang-luong-tai-tao-141.aspx

8/https://www.vietnamplus.vn/tiem-nang-va-co-hoi-phat-trien-dien-gio-dien-mat-troi-o-viet-nam/577040.vnp

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

PHƯƠNG PHÁP PHÂN TÍCH LỰA CHỌN MÁY BIẾN ÁP

TỔNG QUAN VỀ HỆ THỐNG ĐIỆN VIỆT NAM

PHÂN TÍCH TÌNH HÌNH NĂNG LƯỢNG MẶT TRỜI TẠI VIỆT NAM